- New Vietnamese Bible 2014 Hê-bơ-rơ Thư Gửi Người HÊ-BƠ-RƠ Hê-bơ-rơ Thư Gửi Người HÊ-BƠ-RƠ Giới Thiệu Thư Hê-bơ-rơ được gửi cho một nhóm tín hữu đang bị chống đối và đang có nguy cơ rời bỏ niềm tin. Trước giả khích lệ đức tin của họ bằng cách chứng tỏ rằng Chúa Cứu Thế Giê-su chính là sự khải thị cuối cùng của Đức Chúa Trời. Tác giả nhấn mạnh đến ba điều: 1. Chúa Giê-su là Con đời đời của Đức Chúa Trời, Ngài hoàn toàn vâng phục Đức Chúa Cha trong mọi sự đau khổ; Ngài ưu việt hơn các tiên tri, thiên sứ và ngay cả Môi-se trong thời Cựu Ước. 2. Chúa Giê-su được tuyên xưng là thầy tế lễ đời đời, cao hơn thầy tế lễ của thời Cựu Ước. 3. Nhờ Chúa Giê-su, người tín hữu được cứu khỏi tội lỗi, sợ hãi và sự chết. Chúa Giê-su chính là thầy thượng tế đem lại sự cứu rỗi thật; còn các nghi lễ và tế lễ của Do Thái giáo chỉ là biểu tượng. Trưng dẫn một số những anh hùng đức tin trong lịch sử Y-sơ-ra-ên, tác giả kêu gọi tín hữu hãy trung tín và kiên trì cho đến cùng, nhắm vào Chúa Giê-su làm đối tượng, chịu đựng chống đối, bách hại. Thơ kết thúc bằng các lời khích lệ và cảnh cáo. Bố Cục 1. Chúa Giê-su là sự khải thị cuối cùng của Đức Chúa Trời 1:1-3 2. Chúa Cứu Thế ưu việt hơn thiên sứ 1:4–2:18 3. Chúa Cứu Thế ưu việt hơn Môi-se và Giô-suê 3:1–4:13 4. Tính ưu việt của chức tế lễ của Chúa Cứu Thế 4:14–7:28 5. Tính ưu việt của giao ước của Chúa Cứu Thế 8:1–9:22 6. Tính ưu việt của Sinh tế của Chúa Cứu Thế 9:23–10:39 7. Tính ưu việt của đức tin 11:1–12:29 8. Điều đẹp lòng Đức Chúa Trời 13:1-19 9. Lời cầu nguyện kết thúc 13:20-21 10. Lời kết 13:22-25 Ngày xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần, nhiều cách. Đến những ngày cuối cùng này, Đức Chúa Trời lại phán dạy chúng ta bởi Đức Con mà Ngài đã lập lên kế thừa vạn vật; cũng qua Con ấy, Ngài đã sáng tạo vũ trụ. Con là phản ảnh của vinh quang Ngài, là hình ảnh trung thực của bản thể Ngài. Dùng lời quyền năng mình, Ngài duy trì vạn vật. Sau khi hoàn thành cuộc thanh tẩy tội lỗi, Con ngồi bên phải Đấng Tôn Nghiêm trên các tầng trời. Con Ngài cao quý hơn các thiên sứ, như danh của Con thừa hưởng cũng cao hơn danh của các thiên sứ vậy. Vì có bao giờ một thiên sứ nào được Đức Chúa Trời bảo: “Ngươi là Con Ta, Ngày nay ta đã sinh ngươi” hoặc “Ta sẽ làm Cha người Và người sẽ làm Con Ta.” Lại nữa, khi đưa Con Trưởng Nam vào trần gian, Đức Chúa Trời phán: “Tất cả các thiên sứ của Đức Chúa Trời hãy thờ lạy Con!” Nói về thiên sứ, Ngài bảo: “Ngài sáng tạo các thiên sứ như gió Và các đầy tớ Ngài như ngọn lửa” Nhưng nói về Con, Ngài phán: “Hỡi Đức Chúa Trời, Ngôi Ngài tồn tại đời đời, Vương trượng công chính là vương trượng của vương quốc Ngài. Chúa yêu chuộng công chính và ghét vô đạo. Nên Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của Chúa1:9 Ctd: cho nên, hỡi Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời của Chúa đã xức dầu vui mừng cho Chúa, Đặt Chúa cao cả hơn các đồng bạn Ngài.”1:9 Ctd: xức dầu vui mừng cho Chúa hơn các đồng bạn Ngài Đức Chúa Trời cũng phán: “Chúa ơi, ban đầu Chúa xây nền móng cho quả đất, Các tầng trời là công trình của bàn tay Chúa. Trời đất sẽ tiêu tan nhưng Chúa vẫn vĩnh hằng. Tất cả đều sẽ cũ mòn như chiếc áo. Chúa sẽ cuốn chúng lại như chiếc áo choàng, Chúng sẽ thay đổi như y phục Nhưng Chúa vẫn y nguyên, Các năm của Chúa không bao giờ cùng.” Có bao giờ Đức Chúa Trời phán bảo một thiên sứ: “Con hãy ngồi bên phải Ta Cho đến khi ta bắt các kẻ thù Con Làm bệ dưới chân Con?” Không phải tất cả các thiên sứ là các thần phục vụ được sai đi hầu việc những người sẽ được thừa hưởng ơn cứu rỗi sao? Vậy, ta càng phải lưu ý hơn nữa đến những điều đã nghe, để khỏi bị trôi lạc. Vì nếu sứ điệp của các thiên sứ là chắc chắn và mỗi kẻ phạm pháp, bất tuân đều bị trừng phạt công minh, thì ta làm sao thoát khỏi nếu coi thường ơn cứu rỗi vĩ đại đến thế? Ơn cứu rỗi ấy được Chúa truyền dạy từ ban đầu, rồi được những người đã nghe xác nhận cho chúng ta. Đức Chúa Trời cũng xác chứng bằng các dấu lạ, phép mầu, nhiều thứ phép lạ và các ân tứ Thánh Linh mà Ngài phân phối theo ý muốn mình. Đấng Đem Chúng Ta Vào Sự Cứu Rỗi Vì Đức Chúa Trời không đặt thế giới tương lai mà chúng ta nói đây dưới quyền các thiên sứ, nhưng một câu trong Kinh Thánh đã chứng quyết rằng: “Loài người là gì mà Chúa nhớ đến. Con loài người là chi mà Chúa lưu ý. Chúa đặt con người thấp hơn các thiên sứ một chút. Chúa đội cho con người mão hoa vinh quang, danh dự Và đặt mọi vật dưới chân người.” Khi đặt mọi vật dưới chân người, Đức Chúa Trời không chừa gì cả. Nhưng hiện nay, chúng ta chưa thấy con người khắc phục vạn vật. Nhưng chúng ta lại thấy Đức Giê-su, dù được đặt thấp hơn các thiên sứ một chút, nay lại đội mão hoa vinh quang, danh dự vì Ngài đã chịu chết, để bởi ân sủng Đức Chúa Trời, Ngài chết thay cho mọi người. Đức Chúa Trời, Đấng vì Ngài và bởi Ngài mà có muôn vật, khi muốn đem nhiều con cái đến vinh quang, đã theo ý Ngài mà khiến tác giả của sự cứu rỗi được hoàn hảo qua các thống khổ. Cả Đấng thánh hóa và những người được thánh hóa đều là con một Cha. Vì thế, Đức Giê-su không thẹn mà gọi họ là anh chị em, Ngài phán: “Con sẽ công bố danh Chúa cho anh chị em con. Giữa hội chúng, Con sẽ ca ngợi Chúa: ‘Ta sẽ tin cậy Ngài.’ ” “Tôi đây, với con cái Đức Chúa Trời ban cho tôi.” Như thế, vì con cái dự phần vào huyết và thịt nên Ngài cũng dự phần như vậy, để khi chịu chết, Ngài có thể tiêu diệt kẻ thống trị sự chết là quỷ vương và giải phóng những người vì sợ chết phải làm nô lệ suốt đời. Dĩ nhiên, Ngài không giúp đỡ các thiên sứ nhưng giúp đỡ dòng dõi Áp-ra-ham.2:16 Ctd: dĩ nhiên, Ngài không trở thành thiên sứ nhưng trở thành dòng dõi Áp-ra-ham Vì lý do đó, Ngài phải trở nên giống như anh em Ngài trong mọi mặt để làm vị thượng tế, đầy lòng thương xót và thành tín trước mặt Đức Chúa Trời để đền tội cho dân chúng. Vì chính Ngài đã chịu khổ khi bị cám dỗ nên mới có thể giúp đỡ những người bị cám dỗ. Đức Giê-su Vĩ Đại Hơn Môi-se Vậy thưa anh chị em thánh, là những người được hưởng ơn kêu gọi từ trời, anh chị em hãy tập trung vào Đức Giê-su là sứ giả và vị thượng tế mà chúng ta xưng nhận. Ngài trung tín với Đấng đã lập Ngài lên cũng như Môi-se trung tín trong cả nhà Đức Chúa Trời. Đức Giê-su được vinh quang hơn Môi-se cũng như người xây nhà được vinh dự hơn cái nhà. Nhà nào cũng có người xây cất, còn Đức Chúa Trời, Đấng vì Ngài và bởi Ngài mà có muôn vật. Môi-se trung tín trong cả nhà Đức Chúa Trời như một người đầy tớ và làm chứng về những điều sẽ được loan báo trong tương lai. Nhưng Chúa Cứu Thế thì trung tín như con trai quản trị nhà Đức Chúa Trời. Nhà Đức Chúa Trời chính là chúng ta nếu chúng ta giữ vững lòng tin cậy và tự hào trong niềm hy vọng của mình cho đến cuối cùng. Sự Yên Nghỉ Dành Cho Dân Chúa Vậy nên, như Thánh Linh phán dạy: “Ngày nay, nếu các ngươi nghe tiếng Ngài, Thì đừng cứng lòng Như tổ phụ các ngươi đã khiêu khích Đức Chúa Trời Trong ngày thử thách tại đồng hoang, Ở đó họ thử nghiệm Ta mặc dù đã chứng kiến Công việc Ta làm trong bốn mươi năm.3:9 Dân số 14:33 Nên Ta nổi giận với thế hệ đó Mà bảo rằng: ‘Chúng luôn luôn lầm lạc trong lòng, Không biết đến đường lối Ta.’ ” Nên Ta đã thề trong cơn thịnh nộ:3:11 Phục Truyền 1:34 “Chúng sẽ chẳng được vào sự an nghỉ Ta.”3:11 Hê-bơ-rơ 4:3, 5 Thưa anh chị em, hãy thận trọng để không một ai trong anh chị em có lòng gian ác và vô tín đến nỗi lìa bỏ Đức Chúa Trời hằng sống. Nhưng cứ khuyến cáo nhau hằng ngày đang khi còn được gọi là “ngày nay” để không một ai bị tội lỗi lừa gạt mà cứng lòng, vì chúng ta được dự phần với Chúa Cứu Thế nếu chúng ta giữ vững niềm tin cậy ban đầu của mình cho đến cuối cùng! Như Kinh Thánh dạy: “Ngày nay, nếu các ngươi nghe tiếng Ngài Thì đừng cứng lòng Như tổ phụ các ngươi trong cuộc khiêu khích Đức Chúa Trời.”3:15 Thánh Thi 95:7, 8 Ai đã nghe tiếng Đức Chúa Trời rồi lại khiêu khích Ngài? Không phải tất cả những người được Môi-se đem ra khỏi Ai-cập sao? Đức Chúa Trời nổi giận với ai trong bốn mươi năm? Không phải những kẻ phạm tội phải bỏ xác trong đồng hoang sao? Ngài thề với ai rằng: “Chúng sẽ chẳng được vào sự an nghỉ Ta?” Nếu không phải là những kẻ không vâng phục. Và chúng ta thấy rằng họ không thể vào được vì lòng vô tín. Vậy, chúng ta hãy kính sợ kẻo có ai trong anh chị em bị rớt lại trong khi lời hứa cho vào sự an nghỉ của Ngài vẫn còn hiệu lực. Vì chúng ta cũng được nghe truyền giảng Phúc Âm như họ được nghe ngày trước, nhưng sứ điệp họ nghe chẳng có lợi ích gì vì họ đã không kết hợp với đức tin khi nghe. Còn chúng ta đã tin cậy nên được vào sự an nghỉ, đúng như Ngài đã phán: “Ta đã thề trong cơn thịnh nộ: ‘Chúng sẽ chẳng được vào sự an nghỉ Ta.’ ” Dù công việc của Ngài đã hoàn tất từ khi sáng tạo vũ trụ. Trong Kinh Thánh có chỗ nói về ngày thứ bảy như sau: “Và ngày thứ bảy, Đức Chúa Trời nghỉ tất cả các công việc mình.” Cũng vấn đề này, Ngài lại phán: “Chúng sẽ chẳng được vào sự an nghỉ Ta.” Vậy vẫn còn một số người sẽ được vào sự an nghỉ đó, và những người trước kia được nghe Tin Mừng nhưng không được vào đó vì không vâng phục, nên Đức Chúa Trời lại ấn định một ngày khác gọi là “ngày nay,” vì sau một thời gian dài Ngài phán dạy qua Đa-vít như đã nói ở trên: “Ngày nay, nếu các ngươi nghe tiếng Ngài Thì đừng cứng lòng.” Nếu Giô-suê thật cho họ an nghỉ, thì sau khi đó Đức Chúa Trời đã không phán về một ngày khác. Thế thì vẫn còn sự an nghỉ ngày thứ bảy cho dân Đức Chúa Trời, vì người nào vào sự an nghỉ đó thì nghỉ các công việc mình cũng như Đức Chúa Trời đã nghỉ công việc của Ngài. Vậy, chúng ta hãy gắng sức vào sự an nghỉ đó, để không một ai sa ngã vì theo gương những kẻ không vâng phục. Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và đầy năng lực, sắc bén hơn mọi gươm hai lưỡi, xuyên thấu, đến nỗi phân chia hồn với linh, khớp với tủy, xét đoán các tư tưởng, và ý định trong lòng người. Không có tạo vật nào che giấu được Đấng Tạo Hóa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mắt Ngài là Đấng chúng ta phải báo cáo mọi việc. Vậy, vì chúng ta có vị thượng tế vĩ đại đã vượt qua các tầng trời là Đức Giê-su, Con Đức Chúa Trời, nên chúng ta hãy giữ vững niềm tin; vì chúng ta không có một vị thượng tế chẳng có thể cảm thông sự yếu đuối chúng ta, nhưng vị thượng tế này đã chịu cám dỗ đủ mọi mặt cũng như chúng ta song không hề phạm tội. Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngai ân sủng, để được thương xót và tìm được ân sủng có thể giúp đỡ chúng ta kịp thời. Mỗi thượng tế đều được lựa chọn giữa loài người, và được bổ nhiệm để đại diện cho loài người mà lo những việc phụng sự Đức Chúa Trời, để dâng lễ vật và sinh tế đền tội. Vì người cũng yếu đuối mọi mặt nên có thể thông cảm đúng mức với những kẻ ngu muội và lầm lạc. Chính vì đó, người phải dâng tế lễ vì tội mình cũng như vì tội của dân chúng. Không một ai tự giành cho mình vinh dự làm thượng tế nhưng phải được Đức Chúa Trời kêu gọi, như A-rôn đã được gọi. Cũng vậy Chúa Cứu Thế không tự tôn vinh mình mà làm thượng tế, nhưng Đức Chúa Trời phán bảo Ngài: “Ngươi là Con Ta. Ngày nay, Ta đã sinh ngươi.”5:5 Thánh Thi 2:7 Ngài lại phán trong một nơi khác: “Con là vị tế lễ đời đời, Theo dòng Mên-chi-xê-đéc.” 5:6 Thánh Thi 110:4 Trong những ngày sống trong xác thịt, Đức Giê-su đã lớn tiếng dâng những lời cầu nguyện, nài xin với nước mắt lên Đấng có quyền cứu mình khỏi chết, và vì lòng thành kính nên được nhậm lời. Dù là Con, Ngài cũng phải học tập vâng lời trong những điều thống khổ Ngài đã chịu. Khi hoàn tất rồi, Ngài trở nên nguồn cứu rỗi đời đời cho tất cả những người vâng phục Ngài, và Ngài được Đức Chúa Trời chỉ định làm thượng tế theo dòng Mên-chi-xê-đéc. Về vấn đề này, chúng ta có nhiều điều cần phải nói, nhưng khó giải thích vì anh chị em nghe mà chậm hiểu. Thật ra, đáng lẽ bây giờ anh chị em đã thành giáo sư rồi, thế mà anh chị em vẫn cần có người dạy những điều sơ học về lời Đức Chúa Trời. Anh chị em cần ăn sữa thay vì thức ăn đặc. Ai phải bú sữa thì vẫn còn thơ ấu, chưa biết Đạo công chính. Nhưng thức ăn đặc dành cho người trưởng thành là người nhờ thực hành mà luyện tập được khả năng phân biệt thiện, ác. Tiến Lên! Đừng Bội Đạo! Vì thế, chúng ta hãy từ bỏ bài học vỡ lòng về đạo lý của Chúa Cứu Thế mà tiến lên bậc trưởng thành, tức là không cần phải đặt lại nền móng cho giáo lý ăn năn từ bỏ những công việc chết, đức tin nơi Đức Chúa Trời, giáo huấn về phép báp-tem,6:2 Ctd: giáo huấn về các lễ thanh tẩy của người Do Thái lễ đặt tay, sự sống lại của người chết và sự phán xét đời đời. Đây là điều chúng ta sẽ làm nếu Đức Chúa Trời cho phép. Những người từng được soi sáng, từng nếm ân tứ thiên thượng, từng dự phần về Thánh Linh, từng kinh nghiệm lời tốt lành của Đức Chúa Trời cũng như các quyền năng của đời tương lai. Nếu họ sa ngã thì không thể nào phục hồi để ăn năn trở lại; họ đã tự mình đóng đinh Con Đức Chúa Trời một lần nữa và công khai sỉ nhục Ngài. Vì đất được mưa dồi dào đượm nhuần, mà sinh cây cỏ ích lợi cho người canh tác thì nhận được phúc lành từ Đức Chúa Trời; nhưng nếu sinh gai gốc, chà chuôm thì đất trở thành vô giá trị, gần bị rủa sả và cuối cùng bị thiêu đốt. Thưa anh chị em thân yêu, dù nói thế, chúng tôi tin chắc rằng trường hợp của anh chị em thì tốt đẹp hơn, là những điều tốt đẹp cặp theo sự cứu rỗi. Vì Đức Chúa Trời đâu có bất công mà quên công tác của anh chị em và lòng yêu thương anh chị em đã tỏ ra vì danh Ngài khi phục vụ các thánh đồ và hiện nay vẫn còn phục vụ. Nhưng chúng tôi mong muốn mỗi người trong anh chị em cũng bày tỏ lòng nhiệt thành như thế, để nhận thức được sự bảo đảm đầy đủ về niềm hy vọng cho đến cuối cùng, hầu cho anh chị em đừng biếng nhác, nhưng noi gương những người đã hưởng trọn lời hứa bởi đức tin và lòng kiên nhẫn. Lời Hứa Của Đức Chúa Trời Khi Đức Chúa Trời hứa với Áp-ra-ham, vì không thể chỉ ai lớn hơn mình nên Ngài chỉ chính mình Ngài mà thề rằng: “Chắc chắn Ta sẽ ban phúc lành cho con và gia tăng dòng dõi con.” Áp-ra-ham đã kiên nhẫn nên nhận được điều Chúa hứa. Người ta thường nhân danh một vị lớn hơn mình mà thề nguyện, nếu có việc tranh chấp thì kết cuộc lấy lời thề mà xác định. Đức Chúa Trời cũng thế, muốn càng chứng tỏ mục đích không thay đổi của Ngài cho những người thừa hưởng lời hứa, Ngài đã xác nhận bằng lời thề. Để nhờ hai điều không thay đổi đó, là những điều Đức Chúa Trời không thể nào nói dối mà chúng ta, những người trốn vào nơi ẩn náu, được khích lệ mạnh mẽ, nắm lấy niềm hy vọng đặt trước mặt mình. Chúng ta có hy vọng này như cái neo vững vàng bền chặt của linh hồn, đi vào bên trong bức màn, là Nơi Thánh Đức Giê-su đã ngự vào, như Đấng Tiên Phong đại diện chúng ta, khi Ngài trở nên vị thượng tế đời đời, theo dòng Mên-chi-xê-đéc. Mên-chi-xê-đéc Mên-chi-xê-đéc này là vua của Sa-lem, vị thượng tế của Đức Chúa Trời chí cao, đã đi đón và chúc phước cho Áp-ra-ham khi người chiến thắng các vua trở về. Áp-ra-ham dâng cho vua một phần mười mọi vật. Trước hết, tên Mên-chi-xê-đéc có nghĩa là vua công chính, cũng là vua của Sa-lem nghĩa là vua hòa bình. Người không cha, không mẹ, không gia phả, không có ngày sinh ngày tử; như Con Đức Chúa Trời, làm thượng tế đời đời. Thử nghĩ xem tổ Áp-ra-ham đã dâng phần mười chiến lợi phẩm cho vua thì vua vĩ đại biết bao! Một mặt Kinh Luật quy định cho các vị tế lễ con cháu Lê-vi được thu phần mười của dân chúng, tức là anh chị em mình dù họ cũng là hậu tự Áp-ra-ham. Mặt khác, Mên-chi-xê-đéc dù không phải dòng họ Lê-vi nhưng được thu phần mười của Áp-ra-ham và chúc phước cho ông là người có lời hứa. Người nhỏ được người lớn hơn chúc phước là việc dĩ nhiên. Trong trường hợp này, những người thu nhận phần mười cũng đều là người phàm phải chết cả. Trong trường hợp kia, người ấy được chứng nhận là vẫn còn sống. Vậy, có thể nói Lê-vi, người được thu phần mười sau này đã dâng phần mười qua Áp-ra-ham, vì khi Mên-chi-xê-đéc gặp Áp-ra-ham, Lê-vi còn ở trong lòng tổ phụ. Nếu có thể nhờ chức vị tế lễ của Lê-vi mà được toàn hảo, vì trên căn bản tế lễ ấy Kinh Luật đã được ban hành cho dân chúng, thì tại sao còn cần một vị tế lễ khác dấy lên theo dòng Mên-chi-xê-đéc chứ không theo dòng A-rôn? Vì đã thay đổi chức vị tế lễ thì cũng buộc phải thay đổi Kinh Luật. Đấng được những lời trên nói đến lại thuộc về một bộ tộc khác, trong bộ tộc ấy không có ai dự phần tế lễ nơi bàn thờ. Rõ ràng Chúa chúng ta xuất thân từ bộ tộc Giu-đa, một bộ tộc không được Môi-se nói gì về chức tế lễ. Vấn đề càng thêm hiển nhiên nếu có một vị tế lễ giống như Mên-chi-xê-đéc xuất hiện, được lập làm vị tế lễ không căn cứ theo luật lệ, điều răn của thể xác nhưng theo quyền năng sự sống bất diệt. Vì có lời xác chứng: “Con làm vị tế lễ đời đời Theo dòng Mên-chi-xê-đéc.” Luật lệ cũ bị phế bỏ vì yếu kém, vô hiệu. Vì Kinh Luật không làm cho điều gì toàn hảo được cả nên một niềm hy vọng tốt hơn được giới thiệu, nhờ đó chúng ta được đến gần Đức Chúa Trời. Hơn nữa, còn có lời thề. Các vị tế lễ khác nhậm chức chẳng có lời thề, nhưng Ngài được lập làm vị tế lễ với lời thề khi Đức Chúa Trời bảo Ngài: “Chúa đã thề Và không bao giờ đổi ý Con làm vị tế lễ đời đời…” Vì lời thề đó, Đức Giê-su trở thành đấng bảo đảm cho một giao ước tốt hơn. Mặt khác, số vị tế lễ thật nhiều, vì phải chết nên không thể nào tiếp tục nhiệm vụ. Còn Đức Giê-su tồn tại đời đời nên giữ chức vị tế lễ mãi mãi. Do đó, Ngài có thể cứu rỗi hoàn toàn những người nhờ Ngài mà đến với Đức Chúa Trời vì Ngài hằng sống để cầu thay cho họ. Để thích hợp với chúng ta thì phải là một vị thượng tế như thế, một đấng thánh khiết, toàn thiện, không ô uế, tách biệt với những người tội lỗi, vượt cao hơn các tầng trời; không giống các thượng tế khác cần phải hằng ngày dâng các sinh tế trước vì tội mình, sau vì tội dân. Ngài làm việc này một lần đủ cả, dâng hiến chính bản thân làm sinh tế. Vì Kinh Luật cứ lập những người yếu kém làm thượng tế, nhưng lời thề đến sau Kinh Luật thì lập Con Ngài làm thượng tế, là Đấng được toàn hảo đời đời. Chúa Cứu Thế Là Vị Thượng Tế Của Chúng Ta Đại ý những điều vừa nói là chúng ta có một vị thượng tế như thế, đang ngồi bên phải ngai uy nghiêm trên các tầng trời, và đang phục vụ trong Nơi Thánh là đền thật do Chúa dựng lên, không do loài người xây cất. Mỗi thượng tế đều được lập lên để dâng lễ vật và sinh tế, nên thượng tế này cũng cần dâng một vật gì. Nếu chỉ ở dưới đất, thì Ngài không làm thượng tế vì đã có những người dâng tế lễ theo Kinh Luật. Họ phục vụ trong một đền thờ nhưng đó chỉ là cái bản sao và hình bóng của những vật trên trời, nên Môi-se đã được nhắc nhở khi sắp dựng đền tạm: “Con hãy cẩn thận làm tất cả mọi sự đúng theo khuôn mẫu đã chỉ cho con trên núi!” Nhưng hiện nay, Đức Giê-su nhận lãnh một chức vụ cao quý hơn của các thượng tế cũng như giao ước mà Ngài là Đấng Trung Gian cao quý hơn giao ước cũ vì giao ước này được lập trên các lời hứa tốt đẹp hơn. Vì nếu giao ước thứ nhất đã toàn hảo, thì không cần tìm kiếm giao ước thứ hai. Nhưng Đức Chúa Trời đã hạch tội họ rằng: Chúa phán: “Này, sẽ đến ngày ta lập Với nhà Y-sơ-ra-ên Và nhà Giu-đa Một giao ước mới. Không theo giao ước Mà ta đã lập với tổ phụ họ8:9 Xuất hành 19:5, 6 Trong ngày ta cầm tay họ Dắt ra khỏi Ai-cập, Vì họ không tiếp tục giữ giao ước Ta, Nên ta bỏ mặc họ. CHÚA phán vậy.” Vì đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Y-sơ-ra-ên: “Sau những ngày đó, Chúa phán: Ta sẽ ban Kinh Luật Ta trong trí họ, Và sẽ ghi khắc vào lòng họ,8:10 2 Cô-rinh-tô 3:3 Ta sẽ làm Đức Chúa Trời của họ Và họ sẽ làm dân Ta. Không ai còn phải dạy cho công dân mình, Cũng không ai bảo anh chị em mình rằng: ‘Hãy nhận biết Chúa’ nữa, vì tất cả đều sẽ biết Ta,8:11 I-sa 54:13 Từ kẻ nhỏ nhất đến người lớn nhất. Ta sẽ thương xót các sự bất chính của họ Và không còn nhớ đến tội lỗi họ nữa.”8:12 Hê-bơ-rơ 10:7 Đã gọi là “giao ước mới,” thì Ngài đã làm cho giao ước thứ nhất thành cũ kỹ, và cái gì cũ mòn thì sắp tiêu biến đi. Đền Tạm Và Đền Thờ Thiên Thượng Giao ước thứ nhất có các luật lệ phụng vụ và một Nơi Thánh dưới đất. Một đền tạm đã được dựng lên: Phần thứ nhất có chân đèn, bàn và bánh trưng bày trên bàn thờ, gọi là Nơi Thánh. Đàng sau bức màn thứ nhì có một phần gọi là Nơi Chí Thánh, có bàn thờ dâng hương bằng vàng và rương giao ước bọc toàn vàng, chứa một bình bằng vàng đựng ma-na, cây gậy trổ hoa của A-rôn và các bảng đá giao ước. Bên trên rương có các Chê-ru-bim9:5 Ctd: các thiên sứ có tên Chê-ru-bim vinh quang che phủ nắp thi ân; nhưng đây không phải là lúc nói từng chi tiết về các vật đó. Khi mọi thứ này đã xếp đặt xong như thế, một mặt các thầy tế lễ thường xuyên được vào phần thứ nhất của đền tạm để hoàn thành các nghi lễ thờ phượng. Mặt khác, một mình vị trưởng tế mỗi năm một lần được vào phần thứ nhì, mang huyết theo để dâng tế lễ đền tội cho mình và cho dân chúng ngộ phạm. Đức Thánh Linh dùng điều này để chứng tỏ rằng một khi đền tạm trước vẫn còn thì đường vào Nơi Chí Thánh chưa khai thông. Đây là ví dụ về thời hiện tại, theo đó các lễ vật và sinh tế dâng hiến không đủ khả năng làm lương tâm của người phụng vụ toàn hảo. Đó chỉ là các món ăn, thức uống và các lễ tẩy rửa khác nhau, là các luật lệ xác thịt, áp dụng cho đến thời kỳ cải cách. Chức Tế Lễ Của Chúa Cứu Thế Và Của Dòng Họ Lê-vi Khi Chúa Cứu Thế xuất hiện làm vị thượng tế của những sự tốt lành hiện có, Ngài đi suốt qua đền thờ vĩ đại hơn và toàn hảo không do bàn tay người xây dựng, tức là không thuộc về thế giới thọ tạo này. Ngài không dùng huyết của dê đực hay bò con nhưng dùng chính huyết Ngài mà bước vào Nơi Chí Thánh một lần đủ cả và được sự chuộc tội đời đời. Vì nếu huyết của dê đực và bò đực cùng tro bò cái tơ đem rảy trên người ô uế còn thánh hóa họ cho được thanh sạch về thân xác, thì huyết Chúa Cứu Thế là Đấng nhờ Thánh Linh đời đời dâng hiến chính mình Ngài như một sinh tế không tì vết cho Đức Chúa Trời càng có hiệu lực muôn phần hơn, để thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những công việc chết để phụng vụ Đức Chúa Trời hằng sống. Vì thế, Ngài là Đấng trung gian của giao ước mới; như thế những người được kêu gọi có thể thừa hưởng cơ nghiệp đời đời Ngài đã hứa, vì Ngài đã chịu chết để chuộc họ khỏi những tội ác họ đã phạm dưới giao ước thứ nhất. Trong trường hợp lập di chúc, cần phải chứng tỏ người lập di chúc đã chết, vì lẽ di chúc chỉ có giá trị khi người đã chết, nếu người lập di chúc còn sống thì nó không hiệu lực. Do đó, giao ước thứ nhất cũng phải dùng huyết mà thiết lập. Sau khi công bố mọi điều răn của Kinh Luật cho toàn dân, Môi-se lấy huyết của bò con và dê đực với nước, rồi dùng dây len đỏ và cành bài hương rảy lên cả cuốn sách lẫn dân chúng, mà nói: “Đây là huyết giao ước mà Đức Chúa Trời đã truyền cho các ngươi tuân giữ!” Cả đền tạm cũng như tất cả khí dụng phụng vụ đều được ông rảy huyết như thế. Theo Kinh Luật, hầu hết mọi vật đều được tẩy thanh bằng huyết, vì không đổ huyết thì không có sự tha tội. Vậy, nếu các bản sao của các vật trên trời đều cần được thanh tẩy bằng các sinh tế thì các vật trên trời cần phải có sinh tế tốt hơn. Vì Chúa Cứu Thế không ngự vào một Nơi Thánh do bàn tay người xây dựng, mô phỏng theo Nơi Thánh thật, nhưng Ngài ngự vào chính thiên đàng, để bây giờ xuất hiện đại diện chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời. Ngài cũng không vào đó để dâng chính mình hết lần này đến lần khác như các vị trưởng tế phải vào Nơi Chí Thánh hằng năm, dâng huyết không phải của họ. Nếu thế, từ khi sáng tạo vũ trụ, Ngài đã phải chịu thống khổ nhiều lần rồi. Nhưng bây giờ, Ngài xuất hiện chỉ một lần vào thời kỳ cuối cùng, hy sinh chính mình để tiêu trừ tội lỗi. Theo như đã định, loài người phải chết một lần, sau đó phải chịu xét đoán. Vậy Chúa Cứu Thế đã hy sinh một lần để xóa bỏ tội lỗi của nhiều người. Ngài sẽ xuất hiện lần thứ nhì, không phải để gánh tội lỗi nữa, nhưng để cứu rỗi những người trông đợi Ngài. Vai Trò Của Kinh Luật Môi-se Kinh Luật chỉ là cái bóng của những việc tốt lành sắp đến, chứ không phải là thực thể của sự vật, nên chẳng bao giờ làm cho những người đến gần để thờ phượng được toàn hảo bằng cách cứ tiếp tục dâng cùng một thứ sinh tế năm này sang năm khác. Nếu được, thì họ đã chấm dứt việc dâng tế lễ rồi, vì người thờ phượng tất đã được thanh tẩy một lần đủ cả, đâu còn ý thức mình có tội nữa! Nhưng các tế lễ đó hằng năm nhắc nhở về tội lỗi, vì không thể nào dùng huyết bò đực và dê đực mà cất bỏ tội lỗi được. Vậy nên, khi vào trần gian, Chúa Cứu Thế đã tuyên bố: “Chúa không muốn sinh tế, lễ vật Nhưng đã chuẩn bị một thân thể cho tôi, Chúa chẳng bằng lòng Tế lễ thiêu hay sinh tế chuộc tội. Bấy giờ, tôi nói: ‘Đây, tôi đến; trong Kinh Sách đã chép về tôi.’ Lạy Đức Chúa Trời, tôi đến để thực hành ý định của Ngài.” Trước hết, Ngài nói Chúa không muốn cũng chẳng bằng lòng sinh tế, lễ vật, tế lễ thiêu, hay sinh tế chuộc tội, là những điều phải dâng hiến theo Kinh Luật. Rồi Ngài tiếp: “Đây, tôi đến để thực hành ý định của Chúa.” Ngài dẹp bỏ điều trước để thiết lập điều sau. Theo ý định ấy, chúng ta được thánh hóa nhờ sự dâng hiến thân thể của Chúa Cứu Thế Giê-su một lần đầy đủ tất cả. Một bên, các thượng tế đứng phụng vụ ngày này qua ngày khác, dâng cùng một thứ sinh tế không có khả năng cất bỏ tội lỗi. Bên kia, một Đấng dâng chỉ một sinh tế chuộc tội cho đến đời đời, rồi ngự trị bên phải Đức Chúa Trời. Từ đó, Ngài chờ đợi cho đến khi các kẻ thù nghịch bị làm bệ dưới chân Ngài. Vì dâng một tế lễ duy nhất, Ngài làm hoàn hảo vĩnh viễn những người được thánh hóa. Đức Thánh Linh cũng xác chứng điều này với chúng ta, vì sau khi phán: “Đây là giao ước Ta sẽ thiết lập với họ, Sau thời kỳ đó, Chúa phán, Ta sẽ đặt Kinh Luật ta trong lòng họ Và ghi khắc vào tâm trí họ.” Ngài tiếp: “Ta sẽ chẳng bao giờ nhớ lại tội lỗi họ Và các việc gian ác của họ nữa!” Nơi nào tội lỗi đã được tha thứ, thì không còn dâng tế lễ đền tội nữa. Lời Kêu Gọi Tiến Bước Trên Con Đường Đức Tin Vậy, thưa anh chị em, vì chúng ta vững tâm bước vào Nơi Chí Thánh nhờ huyết Đức Giê-su, qua con đường mới và sống mà Ngài đã mở xuyên qua bức màn, nghĩa là xuyên qua thân xác Ngài; chúng ta lại có một vị thượng tế vĩ đại được lập lên trên Nhà của Đức Chúa Trời, nên chúng ta hãy đến gần Chúa với lòng chân thành, trong niềm tin vững chắc, tấm lòng đã được tẩy sạch khỏi lương tâm ác, thân thể đã tắm rửa bằng nước tinh sạch. Chúng ta hãy giữ vững không lay chuyển lời tuyên xưng về niềm hy vọng của chúng ta, vì Đấng đã hứa với chúng ta luôn luôn thành tín. Chúng ta hãy lưu ý khích lệ nhau trong tình yêu thương và các việc lành. Đừng bỏ sự nhóm họp với nhau như thói quen của vài người, nhưng hãy khuyến khích nhau; anh chị em nên làm như thế nhiều hơn khi thấy Ngày Chúa càng gần. Sau khi nhận biết chân lý, nếu chúng ta còn cố ý phạm tội, thì không còn sinh tế nào chuộc tội được nữa, Chỉ còn sợ sệt chờ đợi sự xét đoán và lửa hừng sắp thiêu đốt những kẻ chống nghịch. Ai bất chấp luật Môi-se nếu có hai hay ba người chứng thì bị xử tử không thương xót. Huống hồ kẻ chà đạp Con Đức Chúa Trời, coi thường huyết giao ước đã thánh hóa mình và xúc phạm Thánh Linh ban ân sủng, thì anh chị em tưởng kẻ ấy không đáng bị hình phạt nặng nề hơn sao? Vì chúng ta biết Đấng đã phán: “Sự báo thù thuộc về Ta; chính Ta sẽ báo ứng,” lại bảo: “Chúa sẽ xét đoán dân Ngài.” Sa vào tay Đức Chúa Trời Hằng Sống là một điều khủng khiếp! Nhưng anh chị em hãy nhớ lại những ngày trước kia, khi mới được soi sáng, anh chị em đã kiên trì trong một cuộc chiến đấu lớn lao, nhiều đau khổ, khi thì công khai chịu sỉ nhục và hoạn nạn, khi thì chia sẻ nỗi niềm của những người gặp cảnh ngộ ấy. Thật thế, anh chị em đã cùng chịu đau khổ với các tù nhân, vui mừng chấp nhận khi bị tịch thu tài sản vì biết rằng mình có tài sản tốt hơn và còn mãi. Vậy, anh chị em đừng bỏ lòng tin tưởng chắc chắn của mình, là điều đem lại giải thưởng lớn. Anh chị em cần kiên trì để sau khi làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, anh chị em sẽ hưởng được điều Ngài đã hứa. Vì còn ít lâu, chỉ ít lâu thôi, Thì Đấng ngự đến sẽ tới nơi, không trì hoãn. Nhưng “người công chính của ta sẽ sống bởi đức tin,” Nếu lui bước đi thì Linh hồn ta chẳng vui về người. Nhưng chúng ta không phải là những người chịu lui bước để rồi bị hư vong, nhưng là những người giữ đức tin để được sự sống.10:39 Nt: linh hồn Sức Mạnh Của Đức Tin Đức tin là thực chất của những điều ta hy vọng, là bằng chứng của những việc ta không xem thấy. Nhờ đức tin mà người xưa được lời chứng tốt. Bởi đức tin, chúng ta hiểu rằng vũ trụ được hình thành bởi Lời Đức Chúa Trời; do đó những vật hữu hình ra từ những sự vô hình.11:3 Nt: những vật thấy được không đến từ những vật hữu hình Bởi đức tin, A-bên đã dâng lên Đức Chúa Trời một sinh tế tốt hơn lễ vật của Ca-in. Nhờ đó, ông được chứng nhận là người công chính khi Đức Chúa Trời chấp nhận các lễ vật của ông; nhờ đó, dù chết rồi ông vẫn còn nói. Bởi đức tin, Hê-nóc được cất lên, không phải thấy sự chết, người ta không tìm thấy ông đâu cả vì Đức Chúa Trời đã cất ông lên. Trước khi được cất lên, ông đã được chứng nhận là người đẹp lòng Đức Chúa Trời; không có đức tin thì không thể nào đẹp lòng Đức Chúa Trời vì người đến gần Đức Chúa Trời phải tin Ngài hiện hữu và thưởng cho những ai hết lòng tìm kiếm Ngài. Bởi đức tin, Nô-ê được cảnh cáo về những việc chưa thấy và ông thành kính đóng một chiếc tàu để cứu gia đình mình; nhờ đức tin đó, ông kết tội thế gian và trở thành người thừa kế sự công chính bởi đức tin. Bởi đức tin, Áp-ra-ham vâng lời Chúa gọi đi đến nơi mình sẽ nhận làm cơ nghiệp, ông ra đi dù chẳng biết mình đi đâu. Bởi đức tin, ông cư ngụ như một ngoại kiều trong xứ Chúa đã hứa cho mình, sống trong các lều trại cũng như Y-sác và Gia-cốp, là những người đồng thừa kế cùng một lời hứa ấy, vì ông mong đợi một thành phố có nền móng do Đức Chúa Trời thiết kế và xây dựng. Bởi đức tin, chính Sa-ra dù hiếm muộn và tuổi đã quá cao vẫn nhận được năng lực thụ thai vì bà cho rằng Đấng đã hứa cũng giữ đúng lời hứa. Vì thế, chỉ một người coi như đã chết, lại sinh ra con cháu đông như sao trên trời, như cát bãi biển, không thể đếm được. Tất cả những người đó đều chết trong đức tin, chưa nhận được những điều Chúa hứa, chỉ trông thấy và chào mừng những điều ấy từ đàng xa, nhìn nhận mình là người xa lạ và lữ khách trên mặt đất. Những người nói như thế bày tỏ rằng họ đang tìm kiếm một quê hương. Nếu còn nhớ đến quê cũ là nơi họ đã ra đi, tất họ cũng có cơ hội trở về. Trái lại, họ mong ước một quê hương tốt hơn, là quê hương ở trên trời, nên Đức Chúa Trời không hổ thẹn khi được gọi là Đức Chúa Trời của họ vì Ngài đã chuẩn bị cho họ một thành phố. Bởi đức tin, Áp-ra-ham dâng hiến Y-sác làm sinh tế khi bị Chúa thử nghiệm. Ông sẵn sàng dâng hiến con một của mình, dù đứa con đó chính là lời hứa ông đã nhận. Vì Đức Chúa Trời đã phán bảo ông: “Từ Y-sác, con sẽ có một dòng dõi mang tên con.” Vì kể rằng Đức Chúa Trời có khả năng khiến kẻ chết sống lại, nên theo nghĩa bóng Áp-ra-ham đã nhận lại con mình từ cõi chết. Bởi đức tin, Y-sác chúc phước cho Gia-cốp và Ê-sau về những việc tương lai. Bởi đức tin, Gia-cốp chúc phước cho mỗi con trai của Giô-sép lúc gần qua đời và dựa trên gậy mình mà thờ lạy. Bởi đức tin, Giô-sép nói trước về việc con cháu Y-sơ-ra-ên sẽ xuất hành và ra chỉ thị về hài cốt mình lúc sắp qua đời. Bởi đức tin, Môi-se khi mới sinh, được cha mẹ che giấu đi ba tháng vì thấy con kháu khỉnh, không sợ cấm lệnh của vua. Bởi đức tin, Môi-se lúc đã khôn lớn, từ khước tước vị con trai công chúa Pha-ra-ôn, thà chịu bạc đãi với con dân Đức Chúa Trời trong một thời gian còn hơn thụ hưởng khoái lạc tội lỗi. Ông coi sỉ nhục vì Chúa Cứu Thế là quý hơn châu báu Ai-cập vì ông trông đợi được tưởng thưởng. Bởi đức tin, ông rời Ai-cập, không sợ vua giận, vì ông kiên trì như thấy Đấng không ai thấy được. Bởi đức tin, ông cử hành lễ vượt qua và sự rảy huyết để kẻ hủy diệt không hại đến các con đầu lòng của dân mình. Bởi đức tin, dân Y-sơ-ra-ên đi qua Biển Đỏ như đi trên đất khô cạn, còn người Ai-cập thử đi qua lại bị nước biển chôn vùi. Bởi đức tin, các tường lũy Giê-ri-cô sụp đổ sau khi dân Chúa đi vòng quanh bảy ngày. Bởi đức tin, kỵ nữ Ra-háp không chết với những kẻ vô tín, vì nàng đã tiếp đón các người do thám với lòng hòa hiếu. Tôi còn nói gì nữa? Nếu kể chuyện Ghi-đê-ôn, Ba-rác, Sam-sôn, Giép-thê, Đa-vít, Sa-mu-ên và các tiên tri của Chúa thì không đủ thì giờ. Nhờ đức tin, họ đã chiến thắng các vương quốc, thi hành công lý, được các lời hứa, bịt miệng sư tử, tắt đám lửa hừng, thoát khỏi lưỡi gươm, đang yếu đuối trở nên mạnh mẽ, biến thành dũng sĩ trong cuộc chiến tranh, đánh tan quân đội ngoại quốc. Có những phụ nữ nhận được người nhà đã chết rồi sống lại; có những người chịu tra tấn mà không muốn được giải cứu để được sự sống lại tốt hơn. Những kẻ khác chịu đựng sỉ nhục, đòn vọt, những người kia chịu xiềng xích, lao tù. Họ bị ném đá, cám dỗ, cưa làm đôi, chém chết bằng gươm, họ lưu lạc, mặc áo bằng da cừu, da dê, chịu túng ngặt, bị bắt bớ và bạc đãi đủ điều. Thế gian không xứng đáng cho họ sống, họ phiêu lưu giữa sa mạc, trên núi thẳm, trong hang động và hầm hố dưới đất. Nhờ đức tin tất cả những người ấy đều được chứng nhận nhưng vẫn chưa nhận lãnh điều Chúa hứa. Nhưng Đức Chúa Trời đã tiên liệu điều tốt lành hơn cho chúng ta, hầu cho ngoài chúng ta, họ không thể nào được toàn hảo. Vậy nên, vì chúng ta có cả một đám mây nhân chứng rất lớn bao quanh, hãy vứt bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương, kiên trì chạy trong cuộc đua đã dành sẵn cho mình. Hãy chú tâm, hướng về Đức Giê-su là Đấng tác giả và hoàn thành của đức tin. Vì niềm vui mừng đặt trước mặt, Ngài chịu đựng thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, nên được ngồi bên phải ngai Đức Chúa Trời. Hãy suy nghiệm về Đấng đã đương đầu với sự chống đối của những kẻ tội lỗi như thế để anh chị em khỏi mệt mỏi, ngã lòng. Trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh chị em chống cự chưa đến mức đổ máu. Anh chị em đã quên lời khích lệ mình như lời khuyên con: “Con ơi, đừng xem thường sự sửa trị của Chúa, Khi Ngài khiển trách, đừng ngã lòng. Vì Chúa sửa trị những người Ngài yêu, Và ai được Ngài nhận làm con thì Ngài cho roi cho vọt.” Anh chị em hãy chịu đựng sự sửa trị, Đức Chúa Trời đối đãi với anh chị em như con, vì có người con nào mà không được cha sửa trị? Nhưng nếu anh chị em không chịu sửa trị như tất cả đều phải chịu, thì anh chị em là con hoang, không phải con chính thức. Hơn nữa, cha phần thân xác sửa trị mà chúng ta còn tôn kính, huống hồ Cha phần tâm linh, ta phải vâng phục Ngài càng hơn để được sự sống. Cha phần thân xác chỉ sửa trị chúng ta một thời gian ngắn theo điều người cho là phải, nhưng Đức Chúa Trời sửa trị chúng ta vì lợi ích để chúng ta được dự phần trong sự thánh khiết Ngài. Tất cả các sự sửa trị hiện nay thật không có gì vui, chỉ là chuyện buồn bã, nhưng về sau đem lại kết quả bình an, công chính cho những người chịu rèn luyện như thế. Vậy nên, hãy làm cho các bàn tay mệt mỏi và đầu gối yếu đuối của anh chị em trở nên mạnh mẽ. Hãy làm đường cho bằng phẳng để anh chị em đi, để người què khỏi bị vấp ngã mà còn được chữa lành nữa. Hãy tìm cầu sự hòa bình với mọi người và đeo đuổi sự thánh hóa, vì nếu không thánh hóa, không ai được thấy Chúa. Hãy thận trọng để trong anh chị em đừng có ai hụt mất ân sủng của Đức Chúa Trời; đừng để rễ cay đắng mọc ra gây rối và do đó làm ô uế nhiều người. Hãy thận trọng để đừng có ai dâm dục, cũng đừng có ai phàm tục như Ê-sau, vì một bữa ăn mà tự mình bán đi quyền trưởng nam. Anh chị em biết về sau ông muốn thừa hưởng phúc lành đó lại bị loại bỏ, vì không tìm được cơ hội ăn năn dù ông khóc lóc tìm cầu phúc lành. Anh chị em không đến gần một ngọn núi có thể đụng đến được và có lửa bốc cháy phừng phừng, cũng không đến gần bóng tối, cảnh u ám hoặc gió lốc, hoặc tiếng kèn thổi vang, hoặc tiếng nói mà những người nghe phải nài xin đừng nói thêm lời nào nữa. Họ không chịu đựng nổi mệnh lệnh: “Dù thú vật đụng đến núi này cũng bị ném đá!” Cảnh tượng ấy kinh khủng đến nỗi Môi-se nói: “Chính tôi khiếp sợ đến run rẩy!” Nhưng anh chị em đến gần núi Si-ôn, gần thành phố của Đức Chúa Trời hằng sống, gần Giê-ru-sa-lem trên trời, gần muôn vàn thiên sứ hội họp và hội thánh của các con đầu lòng được ghi tên trên trời, gần Đức Chúa Trời là thẩm phán của mọi người, gần tâm linh của những người công chính đã được toàn hảo, gần Đức Giê-su là Đấng trung gian của giao ước mới, gần huyết rưới ra, huyết ấy nói lên còn hùng hồn hơn huyết của A-bên. Anh chị em hãy cẩn thận, đừng từ khước Đấng đang phán dạy vì nếu những kẻ từ khước người cảnh cáo dưới đất còn không thoát được, thì chúng ta càng khó thoát được nếu chúng ta quay lưng lại với Đấng cảnh cáo từ trời. Ngày xưa, tiếng Ngài phán làm cho đất rúng động, thì ngày nay Ngài lại hứa: “Một lần nữa, Ta sẽ làm rúng động không những trái đất mà luôn cả tầng trời!” Từ “một lần nữa” biểu thị sự dẹp bỏ các vật bị rúng động tức là các loài tạo vật để những điều không thể bị rúng động tồn tại mãi mãi. Bởi vậy, vì chúng ta được hưởng một vương quốc không thể nào rúng động, nên ta hãy ghi ơn và hãy lấy lòng kính sợ, tôn kính mà phục vụ Đức Chúa Trời cách đẹp lòng Ngài. Vì Đức Chúa Trời chúng ta là ngọn lửa thiêu đốt. Lời Khuyên Bảo Sau Cùng Hãy giữ mãi tình thương huynh đệ. Đừng quên tiếp đãi khách lạ, nhờ đó có người đã tiếp đãi thiên sứ mà không biết. Hãy nhớ những người bị tù như chính mình cũng ở trong vòng lao tù với họ; hãy nhớ những người bị bạc đãi như chính thân mình cũng bị bạc đãi. Hôn nhân phải được mọi người kính trọng, loan phòng phải giữ cho tinh khiết, vì Đức Chúa Trời sẽ đoán phạt kẻ dâm dục và kẻ ngoại tình. Hãy giữ nếp sống không tham tiền, và thỏa lòng với những gì mình hiện có vì Chúa hứa: “Ta không bao giờ lìa con, Chẳng bao giờ bỏ con!” Nên chúng ta mạnh dạn nói: “Chúa phù hộ tôi, tôi sẽ không sợ hãi; Người đời làm gì được tôi?”13:6 Thánh Thi 118;6,7 Anh chị em hãy nhớ những người hướng dẫn, đã truyền lời Chúa cho mình, hãy chú ý xem kết cuộc nếp sống của họ và học hỏi đức tin của họ. Chúa Cứu Thế Giê-su hôm qua, ngày nay và cho đến đời đời không hề thay đổi. Đừng để các giáo huấn xa lạ khác lôi cuốn mình, vì nhờ ân sủng tấm lòng được kiên định là tốt, chứ không phải nhờ các thức ăn, là điều không ích lợi gì cho người theo. Chúng ta có một bàn thờ mà những người phục vụ trong đền tạm không được phép ăn gì từ nơi đó. Vì xác các thú vật mà thầy thượng tế lấy huyết đem vào Nơi Thánh để chuộc tội đều bị đốt bên ngoài trại quân. Bởi đó, muốn lấy huyết mình để thánh hóa dân chúng, Đức Giê-su phải chịu khổ nạn bên ngoài cổng thành. Vậy, chúng ta hãy ra ngoài trại quân, đi đến với Ngài để chịu sự sỉ nhục Ngài chịu. Vì tại đây, chúng ta không có thành phố nào tồn tại mãi, nhưng chúng ta tìm kiếm thành phố tương lai. Vậy nên, chúng ta hãy nhờ Đức Giê-su mà liên tục dâng lên Đức Chúa Trời tế lễ ca ngợi, tức là kết quả của môi miệng tuyên xưng danh Ngài. Đừng quên làm việc lành và chia sẻ cho người khác, vì đó là những tế lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời. Anh chị em hãy vâng lời và phục tùng những người hướng dẫn mình vì họ chăm sóc linh hồn anh chị em như phải khai trình với Chúa, để họ hân hoan thi hành nhiệm vụ, khỏi phải thở than, vì nếu vậy thì chẳng ích lợi gì cho anh chị em. Xin anh chị em cầu nguyện cho chúng tôi. Chúng tôi tin chắc mình có lương tâm tốt và ước muốn xử sự thích đáng trong mọi việc. Tôi càng tha thiết nài xin anh chị em cầu nguyện để tôi sớm được trả về với anh chị em. Nguyện xin Đức Chúa Trời bình an, là Đấng qua huyết của giao ước đời đời đem Chúa Giê-su chúng ta, Đấng chăn chiên vĩ đại, ra khỏi cõi chết, trang bị cho anh chị em bằng mọi điều tốt lành để thực thi ý định của Ngài và qua Chúa Cứu Thế Giê-su thực hiện trong chúng tôi13:21 Một số bản cổ: anh chị em điều đẹp lòng Ngài. Nguyện vinh quang quy về Ngài đời đời! A-men! Thưa anh chị em, xin hãy vui lòng nhận lời khích lệ này vì tôi chỉ viết vắn tắt ít lời cho anh chị em. Anh em chúng ta là Ti-mô-thê đã được trả tự do, tôi muốn anh chị em biết tin này, nếu anh ấy đến sớm, tôi sẽ đi cùng anh ấy đến thăm anh chị em. Kính chào tất cả các lãnh đạo và toàn thể các thánh đồ. Anh chị em tín hữu Y-ta-lia kính lời chào thăm anh chị em. Nguyện xin ân sủng Chúa ở với tất cả các anh chị em!